Những cải thiện giúp công việc đỡ tẻ nhạt

 

     Rồi một ngày  công việc  bỗng trở nên buồn tẻ. Cuộc sống mà bạn từng mong muốn có được giờ trở nên thật nhàm chán. Mỗi ngày đến chỗ làm, bạn chỉ mơ được nghỉ việc và sống một cuộc đời khác. Những lúc như thế, bạn  lại đi tìm lý do công việc trở nên buồn tẻ

 

Làm thế nào để thấy hạnh phúc hơn trong công việc?

        Bạn có còn nhớ cảm xúc vỡ òa khi nhận được công việc? Có thể bạn đã từng cố gắng rất nhiều để được nhận vào công việc hiện tại. Có thể bạn đã chờ mong biết bao để được phỏng vấn. Bạn đã có những ngày đầu đi làm đầy háo hức với rất nhiều dự định và hoài bão.

        Thế rồi một ngày kia bạn thức dậy trên giường, nhìn đồng hồ và cảm thấy không muốn đi làm. Bạn ngán ngẩm khi nghĩ tới văn phòng, bạn cảm thấy mỗi giờ ở công sở dài lê thê. Cuộc sống trở nên buồn tẻ và bạn chỉ mộng mơ được làm một việc gì khác, miễn đó không phải là công việc hiện tại. Mọi người xung quanh bạn dường như đều đang tiến lên, còn bạn thấy mình như đang dậm chân tại chỗ. Bạn không còn nhớ được lý do gì mình cố gắng để có được công việc hiện tại. Bạn tự hỏi niềm vui khi đi làm đã biến mất nơi đâu.

     Vấn đề không nằm ở công việc bạn chọn đã trở nên kém thú vị đi, mà là việc bạn đã quên mất cách làm cho bản thân cảm thấy hạnh phúc trong cuộc sống. Nhưng nếu bạn chịu thay đổi góc nhìn của mình, có thể bạn sẽ nhận ra niềm vui vẫn luôn ở xung quanh mình.

1. Nhìn lại cách bạn định nghĩa thành công

       Một trong lý do lớn nhất khiến chúng ta mất đi niềm vui với công việc là bởi vì ta không đạt được những kết quả kì vọng. Khi mới bắt đầu công việc, chúng ta luôn tưởng tượng mình sẽ làm được điều này, điều kia. Chúng ta tự đặt cho mình những thành tựu sự nghiệp lớn lao, để rồi thất vọng với chính mình khi thời gian trôi qua mà mình vẫn chưa làm được điều gì. Chúng ta nhìn xung quanh và tự so sánh mình với thành tựu của những người khác. Nỗi thất vọng khiến bạn chai lì và không còn hứng thú phấn đấu trong công việc.

       Điều bạn cần là cho phép mình nhìn lại những kì vọng thuở ban đâu. Liệu những điều đó có thật sự định nghĩa “thành công”? Liệu những điều bạn từng mong muốn có thật sự phản ánh khát khao của bạn, hay bạn chỉ đang chạy theo quan điểm của đám đông? Đôi lúc, bạn sẽ nhận ra rằng mình không nhất thiết phải đạt thành tự gì vĩ đại để trở nên “thành công”. Có thể bạn đã đạt được sự thành công theo cách riêng của mình rồi.

       Nếu bạn thấy chán công việc mình đang làm, hãy nghĩ lại về lý do ban đầu bạn chọn công việc này. Bạn sẽ nhận ra rằng mỗi ngày làm việc không còn tẻ nhạt nữa, bởi bạn biết mình đang làm những điều có ý nghĩa cho xã hội và cho cuộc sống của chính mình.

2. Học cách trân trọng đồng nghiệp xung quanh mình

     Để cảm thấy vui vẻ, thỏa mãn ở nơi làm việc mỗi ngày không đòi hỏi bạn phải thực hiện một cuộc cách mạng lớn lao – một hành động nhỏ mỗi ngày cũng có thể đem đến cho bạn và những người xung quanh niềm hạnh phúc: biết ơn và trân trọng những người xung quanh bạn.

     Mỗi ngày, hãy nhắc bản thân nhớ về những đồng nghiệp đã sát cánh bên bạn. Hãy trân trọng những niềm vui nho nhỏ mà công việc đem lại cho bạn mỗi ngày. Dần dà, bạn sẽ thấy biết ơn và nhận ra những điều tốt đẹp vẫn đang xuất hiện hàng ngày trong cuộc sống của bạn.

      Đừng chỉ giữ những điều này cho riêng mình. Bạn có thể chia sẻ niềm hạnh phúc với những người khác ở nơi làm việc bằng cách thể hiện sự trân trọng đối với họ. Có thể là dành tặng họ một lời khen, gửi lời cảm ơn tới họ vì đã làm việc cùng bạn, hay đơn giản là nói cho họ biết bạn yêu quí và thấy may mắn vì được làm việc cùng họ.

Làm thế nào để thấy hạnh phúc hơn trong công việc? - Ảnh 1.

3. Giữ cho tâm trí đừng đi lang thang

        Theo một nghiên cứu tâm lý thu thập từ ứng dụng Track Your Happiness, nhà nghiên cứu Matt Killingsworth chỉ ra rằng: “Con người cảm thấy kém hạnh phúc khi tâm trí của họ mất tập trung, bất kể việc họ đang làm là gì.” Sự phân tâm khiến chúng ta cảm thấy thiếu thỏa mãn với trạng thái của mình. Việc sa vào những suy nghĩ vẩn vơ làm ta dễ cảm thấy kém hạnh phúc với công việc ta đang làm, từ đó sinh ra sự chán nản và khát khao muốn từ bỏ công việc để làm một điều gì khác.

        Chúng ta sẽ luôn nghĩ rằng nếu mình được làm một việc gì khác, mình sẽ thấy hạnh phúc hơn, vui vẻ hơn. Nhưng thực ra dù bạn có đổi bao nhiêu việc đi chăng nữa mà bạn không tập trung vào công việc mình đang làm, bạn cũng không thấy hài lòng. Vì vậy, cách đơn giản nhất để cảm thấy hạnh phúc hơn là tập trung sự chú ý vào việc bạn đang làm. Bạn có thể cho bản thân những khoảng nghỉ ngắn, nhưng đừng để 5 phút lướt mạng xã hội kéo dài hàng tiếng đồng hồ nhé!

4. Bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân

      Bạn thấy không hạnh phúc vì cảm giác trì trệ, dậm chân tại chỗ. Bạn buồn phiền khi những người cùng xuất phát điểm với bạn giờ đang vươn xa, trong khi bạn vẫn mắc kẹt tại vị trí ban đầu? Nếu là như vậy, có thể bạn đã giam mình trong vùng an toàn của bản thân quá lâu rồi.

     Đã bao lâu rồi bạn không học một kĩ năng mới? Đã bao lâu bạn chưa gặp gỡ, giao lưu, mở rộng mối quan hệ? Bước chân ra khỏi vùng an toàn cho phép bạn nắm bắt được những cơ hội mới. Có thể bạn sẽ gặp được những người giúp bạn phát triển hơn trong sự nghiệp. Có thể bạn sẽ đạt được những thành tựu mới trong công việc. Dù là gì đi chăng nữa, chắc chắn việc phá vỡ vòng lặp an toàn nhưng nhàm chán của hiện tại sẽ giúp bạn tìm thấy niềm vui mới trong công việc.

Làm thế nào để thấy hạnh phúc hơn trong công việc? - Ảnh 2.

5. Cuối cùng: Công việc không phải là tất cả cuộc sống của bạn

      Có phải bạn mệt mỏi vì công việc quá bận rộn? Đã bao lâu rồi kể từ lần cuối bạn tan làm đúng giờ, dành thời gian nghỉ ngơi bên gia đình và bạn bè? Niềm vui trong công việc sẽ mất đi nếu bạn không giữ được sự cân bằng giữa thời gian dành cho công việc với thời gian dành cho chính bản thân mình.

      Công việc có thể đem lại cho bạn thành công và sự sung túc, nhưng đừng để nó chiếm hết toàn bộ cuộc sống của bạn. Đôi lúc, dứt ra khỏi công việc và dành một khoảng trống cho bản thân là cách bạn lấy lại niềm hứng khởi để làm việc. Hãy nhớ: bạn làm việc để tận hưởng cuộc sống, chứ không chỉ sống để làm việc!

Kỹ năng mềm

About Ad Kỹ năng mềm