Chân lý ngộ ra giữa mùa dịch: Tiền không phải vạn năng, nhưng không có tiền thì không được

Tiền tiết kiệm, theo một ý nghĩa nào đó, thực sự là cái phao cứu hộ được tung ra vào phút chót.

Có câu nói thế này: “Một hạt bụi của thời đại khi rơi xuống đầu một cá nhân riêng lẻ sẽ biến thành cả ngọn núi”.

Câu nói này càng thêm đúng hơn giữa tình hình dịch bệnh căng thẳng như hiện nay. Một khi dịch bùng phát, tất cả đều phải chịu ảnh hưởng. Không chỉ người nhiễm mà còn cả những người bình thường như chúng ta. Các nhà máy xí nghiệp có thể hoạt động trở lại hay không? Không ai biết. Cuối tháng còn nhận được lương hay không? Không ai biết. Tiền lương nhiều hay ít? Không ai biết.

Và trong tình trạng cái gì cũng không biết ấy, chúng ta vẫn phải ăn cơm, vẫn phải ăn mặc, vẫn phải nuôi con, vẫn phải phụ giúp cha mẹ, vẫn phải trả tiền nhà, tiền nước, tiền điện, tiền xăng…

 Chân lý ngộ ra giữa mùa dịch: Tiền không phải vạn năng, nhưng không có tiền thì không được - Ảnh 1.

Nếu bạn không có tiền tiết kiệm, mỗi một phần chi tiêu nhỏ trong ngày hiện tại đều trở thành khoản lớn khiến bạn phải lo âu. Chỉ cần một lần dịch bệnh lớn, mọi tích góp của bạn sẽ bay biến.

Tới lúc này, khi nguy cơ và rủi ro xuất hiện, rất nhiều người mới chịu giật mình:

Người có tiền tiết kiệm và không có tiền tiết kiệm, sẽ trải qua những cuộc sống khác nhau.

Tiền tiết kiệm mới là nguồn lực cơ bản cứng rắn nhất của mỗi người.

01. Khi bạn không có tiền, vào những thời điểm đặc biệt, bạn sẽ sống như một cái xe bị tuột xích

Tôi có đọc được một bài tâm sự trên MXH của một người phụ nữ. Cô ấy kể về việc chồng mình vốn là một tài xế taxi. Mùa dịch chẳng mấy ai ra đường, khách không có, tiền sinh hoạt cơ bản cũng khó lòng kiếm được. Đáng lo ngại hơn nữa là mỗi ngày, chồng cô ấy vẫn phải nộp phí cho công ty chủ quản mà nhà thì có đứa con đang ốm. Cứ tiếp tục như vậy, tiền thuốc cho con cũng không còn nữa.

Đọc đến đây, tôi thực sự cảm thấy xót xa. Dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, nếu như không phải tình hình kinh tế của gia đình thực sự khó khăn, liệu có ai muốn lao ra ngoài kiếm tiền bất chấp nguy hiểm cho sức khỏe như thế? Nhưng cả nhà kia chỉ dựa vào một người đàn ông, họ đâu còn sự lựa chọn nào khác.

 Chân lý ngộ ra giữa mùa dịch: Tiền không phải vạn năng, nhưng không có tiền thì không được - Ảnh 2.

Những câu chuyện như thế thực tế vẫn diễn ra rất thường xuyên. Không lâu trước đây, có một đôi vợ chồng trẻ cắn răng bỏ rơi đứa con mới sinh của mình. Cả hai ngậm ngùi để lại một chiếc lắc tay cùng mảnh giấy ghi vội vài chữ: “Hy vọng bệnh viện hoặc các đồng chí công an có thể đưa con tôi đến một trại trẻ mồ côi nào đó gần đây, có lắc tay làm tin. Chúng tôi đi kiếm việc, nếu như còn sống, nhất định sẽ tới trại trẻ đón con về trong vòng 1 tháng nữa. Dịch bệnh đang rất nghiêm trọng, mà chúng tôi không có thu nhập, không tìm được việc làm, phải lang thang khắp nơi, không thể để con phải chết đói theo mình được. Bà con làm ơn làm phước cưu mang con chúng tôi với”.

Đứa bé vô tội, bố mẹ đứa bé cũng không tàn nhẫn độc ác gì, nhưng tai họa giáng xuống, thông thường, chúng ta sẽ không kịp chuẩn bị được gì hết như vậy.

Tiền không phải vạn năng, nhưng không có tiền thì không được.

Khi chúng ta không có tiền, chúng ta chỉ có thể giống như một con ngựa già, oằn mình gánh lấy mọi thứ trên lưng. Thậm chí có người buộc phải bỏ nhà ra đi, xa vợ xa con.

Tất nhiên, trong xã hội vẫn còn rất nhiều người tốt, sẵn sàng cứu giúp những người đang gặp khó khăn. Chỉ là, nếu chúng ta vẫn cứ ôm tâm lý may mắn, gửi gắm hy vọng lên người khác, vậy không sớm thì muộn, chúng ta cũng phải ăn trái đắng.

Cuộc sống tồn tại rất nhiều rủi ro, nếu không phải dịch bệnh thì cũng có những nguy cơ khác nữa. Nên chỉ khi bạn chuẩn bị đầy đủ mọi thứ, ngay cả lúc đang yên ổn cũng biết lo xa, phòng ngừa chu đáo mới vững tâm khi biến cố xảy ra.

02. Có đủ tiền tiết kiệm mới có thể sống an tâm

Trên MXH từng xuất hiện câu hỏi lớn thế này: “30 tuổi, chúng ta cần có bao nhiêu tiền tiết kiệm mới cảm thấy an toàn?”.

Mỗi người có một đáp án khác nhau nhưng có một đáp án khiến tôi cảm thấy rất ấn tượng:

“Nếu trong vòng nửa năm bạn không làm việc mà cuộc sống của bạn vẫn vận hành bình thường, bao gồm trả tiền nhà, tiền trả góp mua xe, thanh toán tín dụng…, vậy bạn đã có được cảm giác an toàn ở mức độ nhất định, cuộc sống của bạn sẽ không bị quá căng thẳng và o ép. Nhưng nếu câu trả lời là không, vậy tình trạng của bạn tương đối nguy hiểm. Bất kì một biến cố bất ngờ phát sinh nào cũng đủ khiến bạn, thậm chí cả gia đình bạn phải chịu sự đả kích lớn”.

Câu trả lời này thực sự rất chính xác, bởi lẽ số tiền cụ thể là bao nhiêu sẽ tùy thuộc vào từng đối tượng. Nhưng ít nhất, chúng ta cũng phải tích góp đủ để có khả năng ổn định trong tình trạng mình bị mất ổn định nhất.

Nguồn:https://cafebiz.vn/chan-ly-ngo-ra-giua-mua-dich-tien-khong-phai-van-nang-nhung-khong-co-tien-thi-khong-duoc-20200403010117108.chn

About Ad Kỹ năng mềm